Bối cảnh ký kết hòa ước Hòa ước Brest-Litovsk

Đến năm 1917, quân Đức và quân Nga lâm vào thế bế tắc ở Mặt trận phía đông trong Thế chiến I và nền kinh tế Nga đã gần như sụp đổ do phải huy động tối đa nguồn lực cho cuộc chiến tranh. Sự bất mãn của người dân trước số lượng lớn thương vong của binh lính ngoài chiến trường và tình trạng thiếu lương thực kéo dài ở các trung tâm đô thị lớn đã dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Hai, buộc Sa Hoàng Nicholas II phải thoái vị. Tuy vậy Chính phủ tư sản lâm thời của Nga lên nắm quyền thay thế chính phủ Sa hoàng sau cuộc cách mạng quyết định vẫn tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh. Bộ trưởng Ngoại giao Pavel Milyukov đã gửi cho các nước phe Hiệp ước một bức điện tín, được gọi là ghi chú Milyukov, cam kết với các nước Hiệp ước rằng Chính phủ lâm thời vẫn sẽ tiếp tục tham chiến.

Việc chính phủ lâm thời tiếp tục đưa nước Nga tham gia vào cuộc chiến tranh đẫm máu đã bị những người cộng sản phản đối gay gắt. Khi nhận thấy chính phủ mới của Nga vẫn không hề có ý định từ bỏ cuộc chiến, Chính phủ Đức đã quyết định bí mật ủng hộ cho những cộng sản Bolshevik đối lập với chính phủ Nga, là những người có lập trường phản đối chiến tranh và muốn Nga rút khỏi cuộc chiến. Do đó, vào tháng 4 năm 1917, người Đức đã bí mật đưa nhà lãnh đạo của Bolshevik là Vladimir Lenin và ba mươi mốt người ủng hộ của ông từ Thụy Sỹ trở về Petrograd trên một chuyến tàu kín [3]. Khi về đến Petrograd, Lenin đã công bố Luận cương tháng Tư của mình, trong đó ông kêu gọi chuyển giao tất cả quyền lực chính trị tại Nga về tay các Xô viết công nhân và binh lính cũng như rút Nga ngay lập tức khỏi cuộc chiến tranh.

Thất bại và những khó khăn trong cuộc chiến tranh đang diễn ra đã dẫn đến các cuộc bạo loạn chống chính phủ lâm thời ở Petrograd vào tháng 7 năm 1917. Vài tháng sau, vào ngày 7 tháng 11 (lịch Nga), Hồng quân Bolshevik đã chiếm giữ Cung điện Mùa đông và bắt giữ toàn bộ thành viên của Chính phủ lâm thời trong cuộc Cách mạng Tháng Mười. Nước Cộng hòa Xô viết Nga chính thức được thành lập.

Ưu tiên hàng đầu của chính phủ Xô viết mới thành lập là chấm dứt cuộc chiến tranh. Vào ngày 8 tháng 11 năm 1917 (lịch Nga) Vladimir Lenin đã ký Sắc lệnh Hòa bình, được phê chuẩn bởi Đại hội Xô viết lần thứ hai. Sắc lệnh hòa bình kêu gọi "tất cả các quốc gia tham chiến và chính phủ của họ hãy bắt đầu đàm phán hòa bình ngay lập tức” và tuyên bố rút Nga ngay lập tức khỏi Thế chiến I. Leon Trotsky được bổ nhiệm làm Chính ủy Ngoại giao của chính phủ Bolshevik mới. Leon Trotsky đã chỉ định người bạn tốt của mình, Adolph Joffe làm người đại diện cho chính phủ Bolshevik tại các buổi đàm phán hiệp ước hòa bình với đại diện của chính phủ Đức và các quốc gia phe Trung tâm.

Nước Nga Xô Viết

Trước cuộc Cách mạng tháng Mười, Đế quốc Nga đã tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất theo phe Entente ba bên chống lại Đế quốc ĐứcĐế quốc Áo-Hung. Sau khi cách mạng tháng Mười thành công vào ngày 7 tháng 11 năm 1917 thì ngay lập tức chính quyền Xô Viết đã thông qua sắc lệnh hòa bình do Lenin soạn thảo đề nghị tất cả các nước đang tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất hãy chấm dứt chiến tranh và tiến hành đàm phán để đi đến ký kết hòa ước mà không cân bồi thường chiến phí hay thuộc địa gì cả. Nhưng các nước đứng đầu phe Entente như Anh, Pháp, Mỹ đã bác bỏ những đề nghị trên của chính quyền Xô Viết vì lúc này họ đang có ưu thế trên chiến trường. Trong bối cảnh đó, Lenin và chính quyền Xô Viết đã quyết định đàm phán với Đế quốc Đức, đứng đầu phe Lực lượng Trung tâm (Central Powers), để rút khỏi chiến tranh.

Đế quốc Đức

Đế quốc Đức là nước đứng đầu phe Lực lượng Trung tâm, là đế quốc hung hăng nhất và cũng chính là nước chủ động tấn công trước. Sau thất bại của chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh năm 1914, đến năm 1915, 1916 quân Đức dồn quân sang tiêu diệt từng mặt trận nhưng đều thất bại, tiêu biểu là ở trận Verdun tại mặt trận phía Tây năm 1916. Đến cuối năm 1916, Đức phải chuyển sang thế phòng thủ ở cả hai mặt trận. Nhân cơ hội đó, phe Entente do Anh, Pháp, Mỹ phản công mạnh mẽ, nhất là sau khi Mỹ tham chiến vào tháng 4 năm 1917 khiến Đức ngày càng nguy ngập. Do đó khi nhận được đề nghị đàm phán của nước Nga Xô Viết, Đức muốn nhân cơ hội để nhanh chóng loại Nga khỏi vòng chiến để có thể tập trung lực lượng cho mặt trận phía Tây.